1. Giới thiệu
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và quá trình tiến tới thế giới công nghệ 4.0, 5.0 đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Dây chuyền tự động hóa đang ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng của mình trong các quá trình chế tạo, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm tra sản phẩm trong các nhà máy hiện đại.
2. Dây chuyền tự động hóa là gì?
Tự động hóa là việc sử dụng hệ thống điều khiển các thiết bị, máy móc tự động khác nhau vận hành cùng một lúc mà không có hoặc ít có sự xuất hiện và tham gia của con người. Do đó, một dây chuyền tự động hóa là một dây chuyền sản xuất khép kín, được thực hiện bởi nhiều máy móc, robot tự động khác nhau điều khiển và liên kết qua một hệ thống. Với sự tham gia chủ lực của các thiết bị, máy móc tự động vào quá trình sản xuất, con người sẽ ít hoặc không còn là nhân tố trực tiếp tham gia vào dây chuyền sản xuất, mà sẽ chịu trách nhiệm thiết kế hệ thống, vận hành, giám sát và điều chỉnh hệ thống. Chính vì vậy, việc lắp đặt dây chuyền tự động hóa đã trở nên phổ biến và là bước quan trọng để cải tiến, nâng cấp hệ thống sản xuất trong các doanh nghiệp.
3. Xác định mục đích sử dụng dây chuyền tự động hóa
Mỗi loại dây chuyền tự động hóa đều có từng chức năng riêng biệt, phục vụ cho từng nhu cầu sử dụng, giai đoạn sản xuất khác nhau. Do đó, việc xác định rõ mục đích sử dụng dây chuyền tự động sẽ giúp cho việc lựa chọn các thiết bị máy móc, hệ thống điều khiển đi kèm dễ dàng hơn. Hiện nay, tại Việt Nam, dây chuyền tự động hóa được phân loại thành bốn loại dây chuyền khác nhau tùy theo mục đích sử dụng như sau:
- Dây chuyền sản xuất tự động (sản xuất bánh kẹo, chi tiết máy, linh kiện điện tử, điện thoại...)
- Dây chuyền lắp ráp tự động (lắp ráp máy in, lắp ráp điện thoại, lắp ráp ô tô, xe máy...)
- Dây chuyền đóng gói tự động (đóng gói sản phẩm, đóng gói thùng carton, ...)
- Dây chuyền kiểm tra tự động (kiểm tra chất lượng sản phẩm, QC, ...)
4. Lợi ích của ứng dụng dây chuyền tự động trong sản xuất:
- Tiết kiệm nhân công. Năng suất lao động có thể tăng 300-400% khi được vận hành tự động so với dùng nhân công.
- Tận dụng tối đa thời gian. Với máy móc tự động và robot, cycle time luôn là ngắn nhất. Hệ thống tự động hóa có thể vận hành 24/7 và rất ít xảy ra sự cố.
- Tiết kiệm chi phí vật liệu, cải thiện chất lượng sản phẩm và đảm bảo độ chính xác. Các thông số trong quá trình sản xuất trên dây chuyền, máy móc tự động đều được kiểm soát và gần như luôn được đưa về dải giá trị mong muốn của nên quá trình sản xuất, lắp ráp luôn đạt được chất lượng sản phẩm đồng đều với độ chính xác cao.
Với 3 lợi ích trên, các giải pháp tự động cho dây chuyền mang lại sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Nhờ chi phí sản xuất thấp, sản lượng lớn, chất lượng tốt nên giá thành sản phẩm sẽ tốt hơn so với phương thức sản xuất truyền thống.